Không chỉ ở riêng nước ta mà trên toàn thế giới, tài nguyên rừng ngày càng bị thu hẹp về diện tích vì bị tàn phá nặng nề. Rừng bị thu hẹp kéo theo những hiểm họa khổng lồ mang tính chất toàn cầu như làm biến dạng hệ sinh thái, tăng nguy cơ khan hiếm nước, thay đổi khí hậu và gia tăng các tai họa thiên nhiên...
Độ che phủ của rừng ở Việt Nam
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến năm 2016, cả nước có 14.377.682ha rừng. Trong đó: diện tích rừng tự nhiên là 10.242.141ha; rừng trồng: 4.135.541ha. Diện tích rừng đủ tiêu chuẩn để tính độ che phủ cả nước là 13.631.934ha - độ che phủ tương ứng là 41,19%. Như vậy, so với năm 2015 diện tích rừng đủ tiêu chuẩn để tính độ che phủ cả nước đã tăng hơn 110.000ha, và diện tích rừng để tính độ che phủ toàn quốc là hơn 13,520 triệu ha, độ che phủ là 40,84%.
Mặc dù, diện tích rừng được ghi nhận có tăng lên nhưng chất lượng rừng lại là vấn đề cần được bàn tới. Năm 1945, diện tích rừng cả nước được ghi nhận là 14,3 triệu ha, thì đến năm 1995, do rừng tự nhiên bị lấn chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng và khai thác quá mức, nên diện tích chỉ còn 8,25 triệu ha. Hay, từ năm 1975 đến năm 1995, diện tích rừng tự nhiên của cả nước giảm 2,8 triệu ha.
Những khoảnh rừng tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk G'Long, Đắk Nông, Việt Nam bị cạo trọc để làm dự án
Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, giai đoạn 2011-2015: Điều đáng lo ngại là chất lượng rừng tự nhiên tiếp tục giảm. Tuy độ che phủ rừng có xu hướng tăng nhưng chủ yếu là rừng trồng với mức đa dạng sinh học thấp, trong khi rừng tự nhiên với mức đa dạng sinh học cao nhưng tỷ lệ bảo tồn còn rất thấp.
Giai đoạn 1990-2013, diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng đều tăng lên, tuy nhiên tốc độ tăng hàng năm không đáng kể. Mà, theo Viện Điều tra và Quy hoạch rừng thì nguyên nhân chính khiến rừng tự nhiên của Việt Nam bị suy giảm diện tích trong nhiều thập kỷ qua là do việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, khai thác quá mức lâm sản, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên và vùng Duyên hải miền Trung.
Thống kê mới nhất của Cục Kiểm lâm thì 9 tháng đầu năm 2017 có 1.55,68ha rừng bị chặt phá và 5.364,85ha rừng bị cháy.
Diện tích rừng tự nhiên của nước ta đang suy giảm với tốc độ “chóng mặt”. Đặc biệt, độ che phủ của rừng ở khu vực miền Trung đã bị suy giảm nghiêm trọng. Hiện nay độ che phủ của rừng chỉ còn chưa đầy 40%, trong đó diện tích rừng nguyên sinh chỉ còn khoảng 10%.
Đây là vấn đề rất nghiêm trọng, đối với Việt Nam nói chung và miền Trung nói riêng, bởi trong thời gian tới sẽ tiếp tục phải hứng chịu những đợt thiên tai do các hiện tượng thời tiết cực đoan như EL Nino, La Nina gây ra với tần suất ngày càng nhiều và khốc liệt.
Phá rừng - Hậu quả để lại
Phá rừng là một trong những nguyên nhân gây ra nạn ô nhiễm môi sinh, hiện tượng trái đất ấm dần lên, nạn đói kém, lụt lội, nạn voi bỏ rừng về buôn làng giết người, phá hoại hoa màu, tài sản... cũng như hủy hoại những lâm sản dưới tán rừng gây nên mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng, dẫn đến khí hậu biến đổi thất thường, bão lụt, lũ quét, lở đất và phát sinh nhiều loại dịch bệnh...
Trên thế giới, nạn phá rừng gây thiệt hại khoảng 45-50 tỷ USD/năm. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Môi trường Mỹ, mỗi năm bình quân trên thế giới có khoảng 35-40 triệu ha rừng bị phá vì nhiều mục đích khác nhau, đã tạo ra trên 1,5 tỷ tấn CO2 vào môi trường, chiếm từ 20-30% lượng khí thải nhân tạo gây hiệu ứng nhà kính làm nhiệt độ trái đất nóng lên.
Nhiều chuyên gia ước tính với tình trạng phá rừng như hiện nay thì đến năm 2050, sẽ có tới 2 tỷ người tức 20% dân số thế giới sẽ bị thiếu nước. Hầu hết số người chịu cảnh thiếu nước này sống tại các quốc gia đang phát triển. Ngoài ra nguồn thực phẩm cũng có nguy cơ bị đe dọa vì nước dùng để phục vụ nông nghiệp cũng trở nên khan hiếm.
Rừng đầu nguồn ở Việt Nam bị phá - Tác hại khôn lường
Theo báo cáo mới nhất của Chương trình lương thực thế giới (FAO), Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ thiên tai, đặc biệt là mưa bão và lũ lụt. Mưa bão xảy ra ở Việt Nam ngày càng tăng cả về tần suất và sự nguy hại, đang trở thành mối đe dọa thực sự đối với cuộc sống của con người và sự phát triển kinh tế.
Bên cạnh những nguyên nhân như đặc điểm địa lý, biến đổi khí hậu khiến tình trạng mưa lũ ở Việt Nam ngày càng trở nên khốc liệt. Ngoài ra còn có nguyên nhân trực tiếp của con người: nạn phá rừng đầu nguồn để khai thác gỗ, phát triển nông nghiệp, thủy điện... khiến thảm thực vật trên lưu vực ngày càng giảm dẫn đến khả năng cản dòng chảy kém, làm cho lũ tập trung nhanh hơn.
Đặc biệt, vừa qua trên địa bàn nhiều tỉnh miền Trung và Tây Bắc đã diễn ra mưa, lũ nhiều ngày gây thiệt hại nặng nề về người và của. Đợt mưa lũ này được các ngành chức năng đánh giá là hiện tượng lặp lại của hàng chục năm qua và đưa ra kết luận, là do nạn chặt phá rừng đầu nguồn.
Khi rừng đầu nguồn bị chặt phá, cường độ của lũ đi nhanh, nước dâng rất cao, khi đó cây rừng sẽ phát huy tác dụng: cản sức nước, chắn gió làm suy yếu sức mạnh của gió tại những vùng bão đi qua, và rễ cây sẽ hút phần nào nước lũ...
Theo các nhà khoa học, việc nhiều diện tích rừng đầu nguồn và rừng phòng hộ ở các tỉnh miền Trung bị san bằng nhường chỗ cho thủy điện đang làm mất khả năng điều tiết nước thượng nguồn khi mưa lớn, đây là một trong những nguyên nhân chính khiến lũ lụt ngày thêm trầm trọng.
Việt Nam đã, đang tích cực thực hiện hai chương trình lớn đó là: Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và Chương trình quốc gia về Phòng chống thiên tai. Và, vẫn biết rằng từ mô hình, thực hiện cho đến khi đạt kết quả, vẫn còn là một khoảng cách khá xa, chưa biết tới khi nào khoảng cách này mới được thu hẹp.
Có chăng, để giải mã được điều này đâu chỉ là các cơ quan chức năng, mà cần tất cả chúng ta, cả cộng đồng cùng suy ngẫm và hành động để bảo vệ nguồn tài nguyên vô giá này - Nếu không muốn hiểm họa xảy ra cho chính mình và cho thế hệ mai sau. Hy vọng, trong tương lai gần Việt Nam sẽ tự hào khi được bạn bè thế giới biết đến với tên gọi “quốc gia xanh”.
Kim Dung ( CTV Page Tám )
Tin liên quan :
- Việt Nam nằm trong 5 nước thải rác nhựa xuống biển nhiều nhất thế giới
- Tin Mới Cập Nhật - Xe tải bất ngờ cháy dữ dội, khói bốc cao trên đường 3/2
- Phạt 7-10 triệu đồng nếu chủ nhà trọ thu tiền điện cao hơn giá quy định
- Cô gái bị lột áo giữa đường nói về mối quan hệ với 'chồng người ta'
- Tin Nóng : Khán giả Việt Nam vẫn được xem World Cup 2018